Bi kịch đại gia trốn nợ
[giaban][/giaban]
[motangan][/motangan]
[tomtat]
Có thời điểm người dân Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội chỉ cần bán 100m2 đất thổ cư, với giá từ 40-50 triệu đồng/m2, là có trong tay 4-5 tỉ đồng, đủ để xây biệt thự, mua xe hơi.
[/tomtat]
Có những người trước đây được gọi là “đại gia” khi có vài trăm mét đất mặt đường, nhà biệt thự, xe hơi đắt tiền, thì nay nợ đến 30-40 tỉ đồng, phải lặng lẽ lên tận Lạng Sơn, Hà Giang hoặc đi miền Nam trốn nợ.
Đổi đời thời đất lên giá
Chỉ cách đây vài năm, khu vực ven đô xã Yên Nghĩa còn thuộc huyện Hoài Đức là một vùng quê thuần nông, người dân chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Trong xã phần lớn là nhà cấp 4, chỉ có những gia đình buôn bán hoặc làm nghề phụ mới xây được nhà mái bằng.
Nhưng từ năm 2008, khi dự án khu đô thị của Tập đoàn Nam Cường bắt đầu triển khai, cùng với quy hoạch đường vành đai 4 nằm vắt ngang đường Lê Văn Lương kéo dài, đất Yên Nghĩa sốt sình sịch mỗi ngày. Biệt thự, nhà cao tầng đua nhau mọc lên, cuộc sống người dân cũng thay đổi hẳn. Họ bỏ hẳn ruộng đất, đồng điền bấy lâu, thành người phố thị, thành những “đại gia chân đất” có trong tay cả chục tỉ đồng.
Bà chủ quán nước cuối đường Lê Văn Lương kéo dài, thuộc địa phận phường Yên Nghĩa, kể: “Nếu các chú đến đây vào cuối năm 2011, thì con đường này xe hơi để hai hàng dài cả cây số. Một gốc đa có tới 6 chiếc xe tranh nhau để, như buộc trâu ngày trước”. Nhiều người mua xe chỉ để làm vật trang trí, cho đủ vế của câu “nhà lầu, xe hơi”. Đấy là chưa kể đến các loại xe máy đắt tiền, nhiều thanh niên mới nứt mắt mà đi học đã “cưỡi” SH, Liberty…
Khi đồng tiền không còn là mồ hôi, công sức thì nó lại bộc lộ những mặt trái. Nhiều người bỏ hẳn ruộng vườn, đàn ông thì rơi vào cờ bạc, lô đề, phụ nữ thì ăn trắng mặc trơn không chịu lao động. Có những thanh niên đánh cả vạn điểm lô coi như trò tiêu khiển, mở một bát xóc đĩa được tính bằng mét vuông đất hay chỉ ngồi quán trà đá chơi “đầu đít” một lúc mà có người thua tới cả trăm triệu đồng.
Đi đôi với nó là dịch vụ cho vay nặng lãi, cầm đồ mọc lên như nấm sau mưa. Chỉ cần bản photocopy chứng minh thư và hộ khẩu hoặc sổ đỏ nhà đất (không cần công chứng) là có thể đặt để thuê một chiếc ôtô hoặc vay cả tỉ đồng.
Một người từng làm nghề tín dụng đen cho biết: “Trên thực tế, người vay viết giấy thuê ôtô hoặc giấy vay lãi thì phải viết thêm giấy bán ngay chiếc ôtô đó. Nếu chiếc ôtô trị giá 500 triệu đồng, thì họ được cầm về 300-350 triệu đồng. Khoản tiền còn lại được tính theo lãi ngày nên chẳng bao lâu là đủ 500 triệu, bắt đầu lãi mẹ đẻ lãi con. Chỗ thân quen nhất cũng phải vay với mức từ 2-3% mỗi ngày. So với lãi suất ngân hàng thì chỉ 7 ngày là đủ, còn lại 23 ngày là chủ tín dụng đen bỏ túi”.
“Đại gia” thành con nợ khổng lồ
Khi thị trường bất động sản đóng băng, đất không bán được, nhiều “đại gia” rơi vào cảnh bi đát. Đó là trường hợp của đại gia Trần Văn C, dù mới hơn 30 tuổi nhưng đã có thời điểm đầu tư hàng chục tỉ đồng cho cửa hàng vật liệu xây dựng với hơn 10 đầu xe cùng đội quân hàng chục người bốc vác. Ngoài ra C còn đầu tư vào bất động sản với 3-4 mảnh đất trong tay. Nhiều người đã phải thán phục trước tài sản kếch sù của đại gia “tuổi trẻ tài cao”.
Thế nhưng đến tháng 10.2011, C tuyên bố phá sản, không biết nợ nần thế nào nhưng cửa hàng ngừng hoạt động, đất đai lần lượt phải gán nợ. Hiện nay, sổ đỏ của gia đình đã nằm trong ngân hàng và nhiều sổ đỏ của người nhà, bạn bè C đã mượn để gán vào ngân hàng không biết đến khi nào mới trả được.
Cùng chung cảnh nợ nần chồng chất là Nguyễn Văn S - Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản “ĐL”. Sau khi phất lên từ bất động sản, S tiêu tiền bằng quyển, nên được mọi người kính nể gắn cho mác “đại gia”. Sẵn tiền, S quyết định xây một ngôi biệt thự hoành tráng 4 tầng, diện tích mặt sàn trên 200m2, chỉ riêng tiền thuê thiết kế đã hết 200 triệu đồng, dự toán xây dựng lên tới 3 tỉ. Thế nhưng ngôi nhà đang trong thời gian thi công thì S vỡ nợ, mọi tài sản dần đội nón ra đi. Ngôi nhà đang xây được định giá cả nhà, cả đất là 12 tỉ đồng cũng không thấm vào đâu.
Còn nhiều đại gia khác cũng đang rơi vào cảnh nợ ngập đầu. Nếu như trước đây “một bước lên xe hơi, một bước xuống nhà hàng” thì nay các đại gia đang co ro, nhiều khi cả tháng không thấy ló mặt ra đường, nằm trên giường nghĩ về những ngày vinh hoa, phú quý đã qua.
Khổ cả người thân
Hệ lụy tất yếu là hàng trăm gia đình đứng trước nguy cơ mất cả cơ nghiệp, hàng chục người đã phải bỏ quê hương mà đi vì gánh nặng nợ nần. Các đại gia huy động đâu ra số tiền lớn như vậy?
Ông Nguyễn Văn Vui - tổ trưởng tổ dân phố 11, phường Yên Nghĩa - cho biết: “Tiền nào thì cũng từ đất mà ra cả thôi, hiện nay có rất nhiều gia đình ở địa phương đã cho mượn sổ đỏ để thế chấp và đứng tên vay ngân hàng cho các đại gia. Khi các đại gia vỡ nợ cũng là lúc họ vướng vào cảnh nợ nần”.
Ban đầu lấy sổ đỏ gia đình thế chấp ngân hàng vay tiền đầu tư vào bất động sản, thấy lời tức thì, các đại gia tiếp tục huy động vốn bằng cách thỏa thuận với anh em, bạn bè, mượn sổ đỏ của họ rồi thế chấp ngân hàng lấy tiền mua đất. Ngoài số tiền lãi phải trả ngân hàng, những người cho mượn sổ cũng được hưởng số tiền tương đương lãi ngân hàng.
Trên thực tế, nhiều đại gia nói vay 1 tỉ nhưng khi báo nợ thì số tiền vay lên đến vài tỉ, gia đình nào đất rộng có thể lên đến hàng chục tỉ. Khi vỡ nợ, các đại gia không còn khả năng thanh toán, đẩy số nợ lại cho khổ chủ. Nhưng thực tế các gia đình này mỗi tháng cũng chỉ được chục triệu tiền lãi từ sổ đỏ cho mượn thì làm gì có tiền tỉ mà trả ngân hàng, đành bấm bụng bán tháo đất lấy tiền chuộc sổ.
Có những gia đình đứng trước nguy cơ không thể trả nổi vì số tiền ngân hàng lớn hơn giá trị mảnh đất. Còn các đại gia thì máy luôn trong tình trạng ngoài vùng phủ sóng và bặt vô âm tín.
Có những người chẳng biết chạy đi đâu, đành đến từng nhà xin khất nợ bởi: “Cháu không muốn thế mà do thời cuộc nó thế. Giờ nhà cháu cũng chẳng còn thì lấy đâu trả các cô, các chú, các bác”. Nghe đại gia nói mà nóng máu, phát điên bởi tự nhiên mình thành con nợ hàng tỉ đồng. Nhưng xét cho cùng thì “cũng chẳng làm gì được” - ông Nguyễn Văn Bút, 60 tuổi, bức xúc nói.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì những vùng ven đô, nhà cửa đang mọc lên san sát, có vẻ như đời sống người dân đang được cải thiện. Thế nhưng bên trong nó là những khoản nợ khổng lồ đang đè lên vai những người dân trước đây chỉ quen với việc “một nắng hai sương” trên đồng ruộng. Dù có nhà cao tầng để ở nhưng họ lại phải đối mặt với những khoản nợ hàng tỉ đồng không biết khi nào mới có thể trả được. Cứ tình hình thế này rồi vỡ nợ “cả làng”.
“Không chỉ các đại gia phá sản mà nhiều gia đình sẽ rơi vào cảnh mất cả cửa nhà, dù mình chẳng phải là người chơi bời, thế mới khổ” - một người dân chua xót nói.
Theo thống kê bỏ túi của người dân, cứ 10 gia đình ở phường Yên Nghĩa thì có tới 6-7 gia đình rơi vào cảnh nợ nần trực tiếp hoặc gián tiếp. Không công ăn việc làm, không có thu nhập ổn định nên việc tới thời hạn phải trả nợ ngân hàng là điều không thể đối với họ. Vì vậy, nhiều nhà đành phải cắt đất bán, có những gia đình đã phải phá nhà 3-4 tầng, cắt đất bán tới 4-5 lần vẫn không đủ trả nợ. Bi kịch ấy hằng ngày vẫn đang bao vây lấy người dân vùng ven đô, không biết khi nào mới có lối thoát.
Theo Thành Nam
[/chitiet]
0 nhận xét: